Nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo
- 262
Hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học kỹ thuật luôn được chú trọng ở nhà trường. Từ những ý tưởng nhỏ được nuôi dưỡng, ươm mầm, nhiều dự án của bạn trẻ không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo mà khi ứng dụng vào thực tế đã mang lại nhiều hữu ích cho cuộc sống.
Nhóm bạn Trần Hữu Luân vận hành thử robot đa năng dùng trong khu cách ly.
Hiện thực hóa ước mơ sáng chế
Nhóm bạn Trần Hữu Luân, Trần Phúc Thọ, Lương Ngọc Lan (lớp 11A8, Trường THPT Trà Ôn) đam mê khoa học, thích mày mò sáng tạo. Có nhiều ý tưởng ấp ủ nhưng các bạn chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Được thầy cô của trường động viên, giúp sức, nhóm bạn đã hoàn thành robot đa năng dùng trong khu cách ly.
Bạn Trần Hữu Luân chia sẻ: “Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, tụi em muốn góp chút sức nhỏ của mình cùng chung tay phòng chống dịch. Sau khi tham khảo mô hình của các anh chị ở TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp, thầy trò cùng bắt tay làm robot, cải tiến thêm nhiều chức năng hơn so với những robot đã có trước đó. Sau hơn 3 tháng cùng học, cùng làm, sau những lần tranh cãi, tìm tòi… thì robot mới ra đời”.
Tuy chưa phải là sản phẩm hoàn thiện nhất, nhưng nhóm bạn vô cùng tự hào khi ngắm thành quả của cả nhóm. Robot có chức năng phun khử khuẩn, tích hợp chức năng lau sàn và vận chuyển thức ăn đến khu cách ly thông qua phần mềm điều khiển từ xa.
“Sau khi nhận được nhiều góp ý từ thầy cô, bạn bè, chúng em sẽ cố gắng cải tiến hơn nữa, hoàn thiện thiếu sót để không chỉ ứng dụng dùng trong bệnh viện, khu vực cách ly mà còn có thể ứng dụng robot vào phục vụ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”- bạn Ngọc Lan cho biết.
Cũng cùng ý tưởng tạo ra sản phẩm phòng chống dịch COVID-19, bạn Phan Hồng Phúc mất 2 tháng để hoàn thành hệ thống 3K. Máy rửa tay, đo thân nhiệt tự động với giá rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, có thể áp dụng ở nhiều nơi như bệnh viện, trường học, nơi công cộng…
Bên cạnh hệ thống 3K, Phúc đã từng hoàn thành thiết bị hỗ trợ bệnh nhân Parkinson. “Những giờ được thầy cô tận tình giúp đỡ ở Trường THPT Trà Ôn đều rất quý giá và truyền cảm hứng sáng tạo cho chúng em. Hiện đang theo học Trường ĐH FPT Cần Thơ, ngành Công nghệ thông tin, em sẽ tiếp tục hành trình khám phá, sáng tạo của mình”- Hồng Phúc chia sẻ.
Theo thầy Trần Trọng Hữu- Giáo viên Trường THPT Trà Ôn, mong muốn của giáo viên là thông qua những giờ thực hành, các em học sinh có thể phát triển kỹ năng chuyên môn, ứng dụng những gì đã học ở trường học áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Bên cạnh đó, kỹ năng mềm cũng là một phần quan trọng trang bị để các em biết tìm thông tin, xử lý thông tin, biết nghiên cứu, tạo ra sản phẩm hoàn thiện và thuyết trình giới thiệu sản phẩm đó. Thầy Trần Trọng Hữu cho biết: “Ngay đầu năm học, nhà trường đẩy mạnh phát động các cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật. Mỗi lớp hình thành nhóm nghiên cứu, nhờ giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học… hỗ trợ cho các em.
Trường sẽ thành lập hội đồng tư vấn, phản biện và phân công giáo viên hướng dẫn. Với máy bóc vỏ đậu phộng, hệ thống 3K, sản phẩm của các em đạt giải cao ở các hội thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh và tham gia vòng thi cấp quốc gia”.
Sáng tạo hữu ích cho cuộc sống
Với những sáng tạo mới, em Trần Nguyễn Quế Anh dần say mê hơn kiến thức khoa học.
Em Trần Nguyễn Quế Anh (Lớp 10A2, Trường THPT Vĩnh Xuân- Trà Ôn) cũng là gương mặt quen thuộc giành nhiều giải cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và phong thái đầy tự tin, Quế Anh ghi điểm bởi những ý tưởng thiết thực, hữu ích cho cuộc sống và tự tin trình bày ý tưởng của mình.
Trong cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng của tỉnh năm 2021, Quế Anh giành giải nhì với “Hệ thống phòng chống COVID-19 thông minh”. Quế Anh sử dụng thẻ nhớ để lưu âm thanh nhắc nhở, lời khuyên. Khi máy đo thân nhiệt trên 38 độ, còi sẽ báo cùng với nhắc nhở.
Năm nay, Quế Anh sáng tạo ra bảng điện thông minh 4 trong 1 với hệ thống đo thân nhiệt, sát khuẩn, báo động khi có khí gas, khi có khói- cháy.
Em cho biết: “Sản phẩm đã giúp em biết tận dụng những vật liệu đã hư hỏng, không còn sử dụng được để tái chế thành một dụng cụ phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh. Em hiểu hơn về cách mắc các bộ phận của các thiết bị điện tử với nhau. Từ đó, em yêu thích hơn và góp phần học tốt hơn môn Vật Lý, Công nghệ. Em và các bạn rèn luyện tính tiết kiệm, có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo”.
Mô hình nhà chống ngập của những bạn trẻ ở Vũng Liêm.
Nhóm bạn Lâm Nguyễn Phúc Thịnh (Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Vũng Liêm) thì sáng tạo mô hình nhà chống ngập. Với thiết kế độc đáo, tuy xây trên cạn nhưng gặp khi nước lụt, nhà sẽ nương theo mực nước mà nổi lên. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng, ý tưởng của các bạn là một trong những giải pháp thích nghi cho bà con vào mùa nước nổi ở miền Tây.
Từ ý tưởng hình thành nên các sản phẩm là một quá trình dài. Những ý tưởng có thể còn non nớt, thiếu trọn vẹn nhưng thầy và trò cùng nhau đồng hành tìm ra những hướng đi, cách đưa kiến thức vào thực tiễn cho phù hợp. Mỗi sản phẩm ra đời không chỉ thỏa mãn, nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, mà đó còn là bệ phóng cho những sáng chế trong tương lai.
Nguồn: baovinhlong.vn