Đo lường tác động đến phát triển kinh tế Vĩnh Long

Việc tăng cường hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế- xã hội.

Hiện nay, Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng vẫn chưa có một tiêu chí chính thức, đầy đủ để đánh giá, đo lường tác động của KHCN đối với nền kinh tế.

Do đó, thông qua 2 khía cạnh: GRDP bình quân đầu người và năng suất lao động, qua bài viết nghiên cứu này, TS. Lê Minh Chí- Trưởng Phòng Kinh tế ngoại vụ Văn phòng UBND tỉnh cung cấp các phân tích, đánh giá thực trạng KHCN và đổi mới sáng tạo đối với nền kinh tế tỉnh.

Hai khía cạnh của chất lượng tăng trưởng kinh tế

Theo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa X thông qua Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, sự phát triển mạnh mẽ của KHCN đem lại những cơ hội mới.

Do đó, việc tăng cường hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KHCN. Đặc biệt là công nghệ cao phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; hỗ trợ đổi mới, sáng tạo và áp dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ sản xuất và đời sống được xác định tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thông qua việc đánh giá tăng trưởng GRDP bình quân đầu người của tỉnh Vĩnh Long sẽ phản ánh một phần bức tranh tác động của KHCN, cũng như đổi mới sáng tạo đến nền kinh tế địa phương thời gian qua.

Vấn đề đặt ra hiện nay là thứ hạng GRDP/người của Vĩnh Long đang có xu hướng giảm cùng với một số tỉnh vùng ĐBSCL, đến năm 2020 GRDP/người của Vĩnh Long đứng thứ 32 trong cả nước (so với vị trí 31 năm 2010), chỉ số này cho thấy mặc dù định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế là đúng đắn, nhưng có nguy cơ chậm hơn so với cả nước (Theo Niên giám thống kê hàng năm).

Bên cạnh đó, góc độ KHCN, hiện đại nền sản xuất nông nghiệp vẫn còn khoảng cách lớn, với các công nghệ kiểm soát thông minh và tự động hóa trong nông nghiệp, khoảng cách cũng còn rất lớn với nền sản xuất nông nghiệp đang toàn cầu hóa.

Trong khi đó, theo kết quả thống kê từ Niên giám thống kê giai đoạn 2011- 2020, tốc độ tăng năng suất lao động tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015 đạt 3,2%/năm, giai đoạn 2016- 2020 tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,4%/năm, tuy thấp hơn mức trung bình của vùng ĐBSCL nhưng cao hơn cả nước (5,8%/năm).

Do vậy tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tỉnh Vĩnh Long giai đoạn vừa qua được xem là khá tốt, có vai trò đóng góp rất lớn của KHCN.

Nhìn chung, năng suất lao động của tỉnh có sự cải thiện theo hướng tăng nhanh nhưng tốc độ tăng đang có xu hướng chậm lại.

Bên cạnh đó, một thực trạng hiện nay khi đi vào phân tích, năng suất lao động ngành nông nghiệp Vĩnh Long tăng bình quân giai đoạn 2016- 2020 đạt 6,8% (cao hơn trung bình cả nước), trong khi tăng trưởng năng suất lao động ngành công nghiệp chỉ đạt 4,5%.

Điều này cho thấy tác động của KHCN, đổi mới sáng tạo trong khu vực nông nghiệp Vĩnh Long cao và hiệu quả hơn so với khu vực công nghiệp.

Giải pháp nào phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của tỉnh Vĩnh Long?

Từ kinh nghiệm quý báu tại các nước phát triển KHCN, kinh tế thành công như Hàn Quốc và Trung Quốc có thể thấy mấu chốt trong chính sách, mô hình phát triển công nghệ của họ chính là năng lực tích lũy của các doanh nghiệp địa phương.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI đề ra phương hướng, mục tiêu chung: “Tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “Nông nghiệp; công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ”.

Theo đó, đại hội cũng đề ra các giải pháp, đối với lĩnh vực KHCN: “Phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo để bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Huy động mọi nguồn lực cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 ở tỉnh Vĩnh Long”.

Để thực hiện các mục tiêu, giải pháp Nghị quyết Đại hội đề ra, UBND tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương, trong đó có Quyết định số 4536/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2025, với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.

Qua đó, tỉnh đã cơ bản xây dựng được giải pháp mang tính bao trùm và chủ yếu tập trung vào nâng cao năng lực tự nghiên cứu, phát triển KHCN các đơn vị bản địa.

Tuy nhiên, cần có nhiều hơn giải pháp mang tính chuyển giao trọn gói, cụ thể Vĩnh Long cần tăng cường mạnh mẽ hơn các hoạt động thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ, công nghệ cao, tăng cường các hoạt động kiểm soát, quản lý chuyên gia nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp đảm bảo theo quy định, nhằm tạo điều kiện cho lao động địa phương được tiếp cận quy trình công nghệ mới.

Bên cạnh, để chuẩn bị nhân lực cho doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, công nghệ cao và quá trình nghiên cứu đi vào ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tỉnh cần tập trung công tác xuất khẩu lao động, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, để ngoài yếu tố về kinh tế, còn là học hỏi, tiếp cận công nghệ, tăng cường khả năng vận hành, tiếp thu các ứng dụng KHCN giai đoạn tiếp theo.

Cuối cùng, dù là giải pháp nào, mục tiêu nào cũng cần đáp ứng nguyên tắc có thể đo lường được nhằm có sự đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp.

Do vậy, trong thời gian tới cũng cần xem xét áp dụng các công cụ, tiêu chí để đo lường tác động của KHCN và đổi mới sáng tạo đối với nền kinh tế bản địa, phục vụ công tác đánh giá và hoạch định chính sách phù hợp hơn.

Nguồn: baovinhlong.vn